Xã hội Việt Nam có truyền thống "Trẻ cậy cha, già cậy con". Khi còn nhỏ thì được cha mẹ nuôi nấng, chu cấp cho ăn học; đến khi trưởng thành thì chu cấp trở lại cho cha mẹ già.
Truyền thống đó đang bị thay đổi. Có nhiều nguyên nhân của sự thay đổi đó; mỗi người có thể nghĩ ra vài nguyên nhân, không biết nguyên nhân nào là đúng nhất. Nhưng hậu quả của sự thay đổi đó thì rất rõ ràng: 70% số người cao tuổi ở Việt Nam vẫn phải làm việc để kiếm sống. Một số ít người già còn may mắn nhờ cậy được con thì cũng có thể mang mặc cảm lệ thuộc, trở thành gánh nặng của con. Một số trường hợp thật sự là gánh nặng: một cặp vợ chồng trẻ kiếm tiền để nuôi 8 miệng ăn: cha mẹ + hai con + tứ thân phụ mẫu.
Làm sao để không phải "già cậy con" nữa? Chỉ có một cách là tự tích luỹ cho tuổi già của chính mình.
Bài này bàn về vấn đề tích luỹ tài sản của mỗi người. Nói dễ hiểu tích luỹ là kiếm được 10 đồng, chỉ ăn 7 đồng, để dành lại 3 đồng sau này dùng. Việc tích luỹ tài sản bao gồm hai việc là:
- tiết kiệm, và
- làm cho mỗi đồng tiền tiết kiệm được sinh lợi cao hơn mức trượt giá.
Các câu hỏi dưới đây sẽ lần lượt được trả lời trong bài này:
- Tại sao cần phải tích luỹ?
- Tích luỹ bao nhiêu?
- Khi nào thì bắt đầu tích luỹ?
- Tích luỹ dưới dạng gì?
- Làm sao tích luỹ được?